TIN TỨC, SỰ KIỆN

Hội thảo “Đối thoại doanh nghiệp Hàn Quốc về tạo thuận lợi đầu tư và kinh doanh khu vực miền Trung – Tây Nguyên”

10 Tháng Mười Hai 2020
Lượt xem: 1.174     Phản hồi: 0

Chiều ngày 08/12/2020, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo “Đối thoại doanh nghiệp Hàn Quốc về tạo thuận lợi đầu tư kinh doanh khu vực miền Trung- Tây Nguyên” tại Thành phố Đà Nẵng. Tham dự hội thảo gồm lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, Trung tâm Xúc tiến đầu tư Miền Trung, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và doanh nghiệp Hàn Quốc tham dự. Về phía tỉnh, Ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư tham dự hội thảo này. Hội thảo nhằm mang đến cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc thông tin đầy đủ, cập nhật về môi trường và cơ hội đầu tư vào khu vực miền Trung - Tây Nguyên của Việt Nam.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu được dự báo suy giảm tới 40% trong năm 2020, thì thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2020 vẫn khả quan, đạt 26,43 tỷ USD, trong đó nhà đầu tư Hàn Quốc có tổng vốn đăng ký đạt hơn 3,7 tỷ USD (xếp thứ 2 sau Singapore). Điều này thể hiện Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn, an toàn và tin cậy đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng đối với Hàn Quốc, đây là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 18,5% tổng vốn FDI của cả nước, đóng góp tới hơn 25% tổng giá trị xuất khẩu và từng bước xây dựng các chuỗi cung ứng chiến lược tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang là đối tác hợp tác kinh tế hàng đầu trong Chính sách Hướng Nam mới, đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại khu vực ASEAN.

Hội thảo “Đối thoại doanh nghiệp Hàn Quốc về tạo thuận lợi đầu tư và kinh doanh khu vực miền Trung – Tây Nguyên” .

Trong 09 tháng đầu năm 2020, tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Hàn Quốc là đối tác dẫn đầu về tổng vốn đăng ký đầu tư vào khu vực, đạt 79,41 triệu USD với 23 dự án đăng ký đầu tư mới với các lĩnh vực như Chế biến chế tạo, Hoạt động chuyên môn công nghệ, Dịch vụ lưu trú, ăn uống,...Lũy kế đến nay, đối tác Hàn Quốc đã đầu tư 368 dự án tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 16,96% của cả khu vực, xếp vị trí thứ hai sau Singapore. Hiện nay, doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt hầu hết trong các ngành thế mạnh của các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên như công nghiệp nặng, bất động sản, du lịch, dệt may,...Hàn Quốc là một trong những thị trường trọng điểm mà các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên kêu gọi đầu tư với nhiều nghành, lĩnh vực thế mạnh.

Theo ông Lee Sungnyung, Giám đốc Văn phòng Cơ quan Xúc tiến Thương mại - Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tại Đà Nẵng, việc đảm bảo “sự ổn định” cũng là yếu tố rất quan trọng trong thời kỳ Covid-19. Bên cạnh đó, các hội nghị trực tuyến về đầu tư tạo điều kiện cho các công ty Hàn Quốc không thể trực tiếp đến thăm Việt Nam do Covid-19, bởi tham quan địa phương là một thủ tục để thu thập thông tin cơ bản, chính sách đầu tư của vùng. Giữa những thay đổi trong giá trị toàn cầu, Việt Nam đã xây dựng hình ảnh “một quốc gia ổn định” bằng cách kiểm soát hiệu quả 2 lần dịch Covid-19 bùng phát. Hình ảnh một đất nước ổn định sẽ mang lại cơ hội lớn để thu hút đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung, nơi giá đất thấp hơn so với miền Nam và miền Bắc.

Miền Trung - Tây Nguyên có vị trí chiến lược, cách đều 2 trung tâm kinh tế lớn nhất là thủ đô Hà Nội và TP.HCM, ngay trên các trục giao thông quan trọng quốc gia với đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, kết nối tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây (1.450 km), cửa ngõ ra biển Đông của các quốc gia tiểu vùng sông Mekông mở rộng (GMS), đảm bảo giao thương thông suốt với các vùng kinh tế, các nước ASEAN và Đông Bắc Á. Ngoài ra, Miền Trung – Tây Nguyên còn có ưu thế về phát triển du lịch và bất động sản với hàng loạt Di sản văn hoá thiên nhiên thế giới, nhiều bãi biển và vịnh đẹp nhất hành tinh (Đà Nẵng, Nha Trang, Lăng Cô…).

Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, Việt Nam đã kịp thời điều chỉnh thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế”. Từ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi cho gần 20.000 lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam an toàn, trong đó phần lớn là lãnh đạo các tập đoàn, chuyên gia Hàn Quốc vào Việt Nam làm việc, bảo đảm các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Ông Chung nhấn mạnh, Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành, địa phương sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc để hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư kinh doanh, đem lại nhiều lợi ích cho các bên, góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc lên một tầm cao mới.

Với những tiềm năng nổi trội như trên, kết hợp với các “thế mạnh” mới như các Hiệp định thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và nhiều quốc gia, đối tác trên thế giới (EVFTA, EVIPA, CPTPP, VKFTA…), những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư mang tính đột phá, nhiều địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang trở thành điểm đến đầu tư tin cậy và an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Để đạt kết quả tương xứng với lợi thế và mục tiêu tăng trưởng kinh tế của khu vực trong giai đoạn mới, hai bên cần tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư kinh doanh, góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc lên tầm cao mới.

Thanh Hà – IPC Quảng Ngãi


Các tin khác